Người chấp hành xong án phạt tù “tái sinh” cuộc đời với chương trình cho vay ưu đãi
06/03/2025
Lượt xem: 41
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù đã mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng cho việc tái hòa nhập cộng đồng của những người từng phạm tội. Chương trình cho vay ưu đãi này không chỉ là sự hỗ trợ tài chính, mà còn là một tín hiệu tích cực, khẳng định cơ hội được làm lại cuộc đời đối với những công dân này.
Hết án tù, cánh cửa nhà tù đóng lại, nhưng đó không phải là dấu chấm hết mà là dấu phẩy cho một cuộc đời mới. Nhiều người từng phạm tội, sau khi chấp hành xong án phạt, đã nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ quá khứ và xây dựng tương lai tươi sáng. Họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn: định kiến xã hội, khó tìm việc làm, thiếu hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, nghị lực phi thường và quyết tâm thay đổi đã giúp họ vượt qua tất cả.
Một số người tìm thấy động lực từ gia đình, bạn bè, hay các tổ chức hỗ trợ người chấp hành án phạt tù. Việc học nghề, tham gia các chương trình dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Họ không chỉ tìm được việc làm ổn định mà còn tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống. Sự thành công của họ là minh chứng cho việc xã hội cần có cái nhìn nhân văn hơn, tạo điều kiện để những người từng phạm tội có cơ hội sửa sai và làm lại cuộc đời.

Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Chơn Thành đã triển khai cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, đến thời điểm hiện tại đã có 22 lượt vay vốn với tổng số tiền là 1.950 triệu đồng. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trong thời hạn 5 năm, có thể được vay vốn từ NHCSXH 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề; vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cơ sở sản xuất kinh doanh có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/lao động tại cơ sở. Thời hạn vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm của cá nhân người chấp hành án xong án phạt tù và của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù là 10 năm, lãi suất ngang lãi suất cho vay hộ nghèo.

Việc tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi đã giúp họ khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và dần xóa bỏ mặc cảm, định kiến xã hội. Đây là chìa khóa quan trọng để họ tự tin hòa nhập cộng đồng, đóng góp tích cực cho xã hội. Chương trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, công an các xã/phường và Ngân hàng chính sách xã hội thị xã. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, minh bạch trong quá trình tiếp cận vay vốn cũng đã được chú trọng và đảm bảo hiệu quả.
Phước Thanh - NHCSXH