Sự có mặt của Japfa Việt Nam tại Bình Phước đã góp phần phát huy thế mạnh của địa phương về chăn nuôi heo, giải quyết một lực lượng lớn lao động tại địa phương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu. Ông Sanjeev Kumar, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cho biết: “Công ty đã và đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng từ chính quyền Bình Phước, từ thủ tục hành chính đến cơ sở hạ tầng. Công ty đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ của Bình Phước đối với doanh nghiệp. Đó cũng là lý do Japfa Việt Nam chọn Bình Phước là nơi đầu tư những dự án quan trọng, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất của công ty tại Việt Nam”.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tham quan trại heo Công ty Japfa Việt Nam ở huyện Bù Đăng, dịp khánh thành dây chuyền sản xuất vào tháng 4-2021. Ảnh: Trương Hiện
Bình Phước có hạ tầng giao thông khá thuận lợi, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ thông qua quốc lộ 13, 14 và đường ĐT741 đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô từ 6 đến 8 làn xe rất thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Với vị trí quan trọng, Bình Phước có điều kiện hội nhập sâu hơn, thu hút đầu tư và phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công nhân sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần sản xuất, dịch vụ và thương mại Phúc Thịnh, Khu công nghiệp Đồng Xoài I - Ảnh: Trương Hiện
Theo các chuyên gia, Bình Phước đang chuyển nhanh từ vị trí dự trữ phát triển sang động lực phát triển với nhiều thế mạnh, do đó nơi đây đang có cơ hội rất lớn trong việc đón làn sóng đầu tư. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chúng tôi thấy hạ tầng của Bình Phước hiện nay đã khởi sắc. Và một ấn tượng đặc biệt là chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, Bình Phước đã hình thành ngành kinh tế công nghiệp rất lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của Bình Phước đối với các nhà đầu tư là tương đối tốt”.
Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.600 ha và 8 cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan. Trong sự phát triển các khu công nghiệp ở Bình Phước có vai trò to lớn của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước. Sau 4 năm triển khai và mời gọi đầu tư, đến nay, Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước đã thu hút 49 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động.
Sàn xuất pin tại Công ty TNHH Leoch Battery (Việt Nam) Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành. Ảnh: Trương Hiện
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước nhấn mạnh: “Qua trao đổi với các nhà đầu tư, họ rất thích cách làm của Bình Phước. Khi tìm hiểu về tỉnh, họ quan tâm thủ tục, vị trí địa lý… tỉnh luôn hỗ trợ nhiệt tình ngay từ khâu đầu tiên rồi đến giải quyết vấn đề, hỗ trợ xuyên suốt cho nhà đầu tư từ khi có dự án đến khi đi vào sản xuất”.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước đạt 130 triệu USD, tăng 45% so cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu 118 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ. Ảnh: Nguyễn Tấn
Với khát vọng mạnh mẽ đưa Bình Phước phát triển bền vững, chính quyền tỉnh đồng hành với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là “chìa khóa” mở ra cơ hội và tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển.
Minh Khuê
Tác giả bài viết: Tổng hợp từ Chơn Thành Đổi mới và phát triển!
Ý kiến bạn đọc