Là một trong những đơn vị về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện Chơn Thành, đến nay, xã Minh Hưng đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã cũng tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và nổi bật vẫn là “nông nghiệp sạch” với nhiều mô hình trồng rau, phát triển kinh tế hiệu quả. Trong đó, phải kể đến hộ anh Lê Ngọc Nam, ấp 5, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành.
Trước đây, kinh tế gia đình anh Nam rất khó khăn, sau khi xây dựng gia đình, bố mẹ cho 2 vợ chồng gần 8 sào đất trắng để trồng trọt. Ấp ủ mong muốn canh tác vườn rau sạch đã lâu, nhưng cần khoản tiền lớn để san mặt bằng, mua phân, mua giống…
“Gia đình nội ngoại ai cũng khó khăn, đi vay tiền ở đâu cũng đòi tài sản thế chấp mà hai vợ chồng mới cưới chẳng có tài sản gì đáng giá. Nhìn mảnh vườn bố mẹ cho cũng đành chịu…” anh Nam tâm sự.
Trước khó khăn và nhu cầu của anh Nam, năm 2017, Hội nông dân xã phối hợp với Ban ấp 5, Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vợ chồng anh vay 30 triệu đồng nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chơn Thành. Có nguồn vốn vay, anh Nam đã tiến hành san đất, mua hạt giống, đào giếng nước, mua máy bơm tưới nước cho rau.
Có nguồn vốn vay, lại chăm chỉ làm việc, chỉ sau 1 năm, vợ chồng anh Nam đã có 1 vườn rau với đủ các loại cho thu nhập gần 10 triệu đồng mỗi tháng. Vườn rau đã giúp vợ chồng anh có điều kiện trả nợ NHCSXH. Anh Nam phấn khởi cho biết: “Nhờ vốn vay mà vợ chồng tôi thoát cảnh hai bàn tay trắng, có chút tài sản ban đầu cho riêng mình. Nếu không có số vốn vay này, chắc vợ chồng lại đi làm thuê, làm mướn kiếm sống chứ không dám mơ đến vườn rau cho nguồn thu ổn định như hôm nay”.
Theo anh Nguyễn Văn Bằng – Phó chủ tịch Hội nông dân xã Minh Hưng, tổng dư nợ của các hộ trong xã với NHCSXH đạt hơn 10 tỷ đồng. Hội viên vay vốn chủ yếu là gia đình khó khăn hoặc vừa lập gia đình nhưng không có việc làm. Hơn nữa, nhóm đối tượng này rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ NHTM vì không có tài sản thế chấp.
“Số vốn vay cho mỗi hội viên không lớn nhưng rất ý nghĩa. Đây là “vốn mồi”, tạo điều kiện cho họ tự tin đầu tư phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, thoát cảnh tha hương kiếm việc làm qua ngày”, anh Bằng cho biết.
Hiện nay, dư nợ vốn vay ưu đãi của toàn xã Minh Hưng đạt trên 39 tỷ đồng. Trong đó chương trình cho vay với đối tượng hộ mới thoát nghèo trên 10 tỷ đồng; vốn vay giải quyết việc làm đạt 15 tỷ đồng…
Tác giả bài viết: Thanh Tuấn - PGD NHCSXH HUYỆN CHƠN THÀNH