Ngày 31/3, tại xã Quang Minh, huyện Chơn Thành đã diễn ra lễ Phá Bàu Vàng (Phá Bàu) của người đồng bào S’tiêng.
Ngay từ rất sớm hàng trăm người dân là người đồng bào dân tộc S’tiêng bản địa và nhiều dân tộc anh em khác từ các ấp, sóc ở khu vực xã Quang Minh, Tân Quang, Phước An, Minh Lập, Nha Bích cùng nhau tập trung về khu vực Bàu Vàng thuộc xã Quang Minh để tham gia lễ hội Phá Bàu.
Lễ hội được diễn ra vào dịp cuối tháng 2 âm lịch hàng năm với ý nghĩa cầu cho một năm được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, cuộc sống của nhân dân được no ấm.
Sau khi ổn định tổ chức cũng là lúc tiếng Cồng Chiêng vang lên báo hiệu lễ hội chính thức được bắt đầu, đây cũng được xem như là lễ cúng trời đất.
Đối với người đồng bào dân tộc S’tiêng bản địa nơi đây, Cồng Chiêng được coi là vật linh thiêng, là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Từ bao đời nay, Cồng Chiêng luôn gắn bó mật thiết trong đời sống, nghi lễ, lễ hội và trong lễ hội Phá Bàu này không thể thiếu được tiếng Cồng Chiêng chúc mừng lễ hội.
Đây là lễ hội chứa đựng nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần của đồng bào S’tiêng. Lễ hội được phục dựng không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh khai thác thủy sản mà còn phản ánh hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa bảo lưu, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người S’tiêng, giúp đồng bào S’tiêng xa gần có dịp giao lưu, trao đổi, đồng thời gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục con cháu ghi nhớ công lao của các bậc tiền thân.