Phong trào "Bình dân học vụ số" được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 57-NQ/TW. Phong trào giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Phong trào "Bình dân học vụ số" được truyền cảm hứng và kế thừa, phát huy từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí. Ngày 18-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phát động, thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số". Phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh mới là phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.
Nền tảng Bình dân học vụ số đã được ra mắt ngày 26/3/2025 tại địa chỉ: https://binhdanhocvuso.gov.vn.
Đây là sản phẩm do Bộ Công an, Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai quản lý, vận hành. Các cá nhân đăng nhập bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập, đăng ký các khóa học và tham khảo các thông tin, tài liệu liên quan đến chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 16/4/2025, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Theo Kế hoạch của tỉnh Bình Phước, thông qua việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ hướng đến các mục tiêu sau:
* Năm 2025
- 80% cán bộ, công chức, viên chức khu vực công có kỹ năng số.
- 100% học sinh trung học, sinh viên trang bị kỹ năng số cơ bản.
- 70% người dân trưởng thành có tri thức và kỹ năng số.
- 70% người dân trưởng thành xác nhận đạt chuẩn kỹ năng số trên VNeID.
- 80% người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã có kỹ năng số.
* Năm 2026: 100% đạt chuẩn kỹ năng số ở tất cả các nhóm đối tượng trên.
Các nội dung được tập trung triển khai gồm: tuyên truyền sâu rộng về vai trò chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các nhóm đối tượng; triển khai các nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng công nghệ số vào học tập và cuộc sống; phát động các mô hình như “Gia đình số”, “Chợ số – Nông thôn số”, “Đại sứ số”, xây dựng môi trường số an toàn, toàn diện. Đặc biệt, ngày 10/10 hằng năm sẽ tổ chức “Ngày hội toàn dân học tập số” gắn với Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần học tập suốt đời trong môi trường số.
*
Phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai toàn diện đến cơ sở, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư, đảm bảo phương châm "Không ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình chuyển đổi số. Với quyết tâm chính trị cao, thị xã Chơn Thành nói riêng và tỉnh Bình Phước hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội số hiện đại, sáng tạo, nơi mỗi người dân đều trở thành công dân số, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững./.