GIỚI THIỆU CHUNG
Lượt xem: 14036
anh tin bai

Thị xã Chơn Thành là địa phương nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Phước, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài khoảng 35 km, cách thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) khoảng 55 km và cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km. Đây là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển về công nghiệp, dịch vụ và thương mại. 

anh tin bai

Với địa hình tương đối bằng phẳng, vị trí địa lý gần các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, có 2 tuyến đường huyết mạch là Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 và đường Hồ Chí Minh đi qua, có vai trò kết nối các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nam bộ, thuận lợi cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa, có vai trò kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư...

Là địa phương có mật độ dân cư đông đúc, đô thị hóa cao và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước. Có lợi thế lớn với các khu công nghiệp như: KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, KCN Minh Hưng III, KCN Chơn Thành I, KCN Chơn Thành II và Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước cùng nhiều dự án khác đang trong quá trình đầu tư. Trong tương lai gần, các dự án sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến Chơn Thành, với những ngành nghề sản xuất có giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và của tỉnh.

1. Địa giới hành chính thị xã Chơn Thành

- Phía Bắc giáp với huyện Hớn Quản

- Phía Tây giáp với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

- Phía Đông giáp thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú vá huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương

- Phía Nam giáp với huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

anh tin bai

2. Điều kiện tự nhiên

Thị xã Chơn Thành có diện tích tự nhiên 390,34 km2, là thị xã trung du, địa hình thoai thoải, độ cao trung bình từ 50 đến 55m. Vùng đất đỏ bazan ở phía Đông Bắc, vùng tiếp giáp với địa hình đồi núi lượn sóng của huyện Hớn Quản có độ cao 70m. Còn lại là vùng đất xám phát triển trên phù sa cổ có địa hình thấp, độ cao so với mực nước biển khoảng 50m, thấp nhất là 45m. Đất xám chiếm hơn 87% diện tích, đất đỏ 10%, đất dốc tụ và đất sông suối ao hồ chiếm phần còn lại.
Nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở Chơn Thành được cung cấp bởi nguồn nước ngầm và hàng chục dòng suối lớn nhỏ chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam thuận tiện cho việc sản xuất, canh tác và chăn nuôi. Thị xã Chơn Thành nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ với hai
mùa rõ rệt (mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau); lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, từ 2.000 - 3.000 mm/năm. Hướng gió chính là hướng Đông Bắc vào mùa khô và hướng Tây Nam vào mùa mưa. Nhiệt độ trung bình khoảng 26oC, nhưng có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 7 - 9oC; biên độ chênh lệch này thuận lợi cho việc tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

anh tin bai
 

3. Dân số, lao động

a. Quy mô và mật độ dân số thị xã Chơn Thành

Theo số liệu thống kê năm 2023, dân số Chơn Thành là khoảng 98.381 người, mật độ dân số là 252 người/km2. Mật độ dân số không đồng đều, dân cư có xu hướng quy tụ về các khu vực có tốc độ về đô thị hóa cao, tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng như: Hưng Long, Minh Hưng, Thành Tâm và Minh Thành.

b. Lao động

Tổng số người trong độ tuổi lao động năm 2023 là 69.890 người, chiếm 71% dân số; trong đó, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 68.794 người, chiếm 98,4% tổng số lao động; lao động phi nông nghiệp là 50.791 người, chiếm 73,8%. Lao động khu vực nội thị là 50.790 người, trong đó: Lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị là 45.082 người, chiếm tỷ lệ 81,28%.

anh tin bai

4. Dân tộc, tôn giáo

a. Về Dân tộc

Chơn Thành có 20 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc kinh chiếm đa số, các thành phần dân tộc khác với khoảng 1.690 hộ/6.449 nhân khẩu sinh sống đan xen trên địa bàn 09 xã, phường. Các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp tập trung đông đúc ở 03 xã: Nha Bích, Minh Lập và Quang Minh. Đồng bào dân tộc S’tiêng và Khmer đã đến địa phương lập nghiệp, sinh sống từ lâu đời, các dân tộc còn lại như: Mường, Hoa, Thái, Tày, Nùng, Thổ, Dao, Sán Dìu, Chơro, Vân Kiều, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chỉ… mới di cư từ nơi khác đến lập nghiệp.

b. Về Tôn giáo

Trên địa bàn thị xã có có 04 tôn giáo chính hoạt động gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao đài, có 31 cơ sở thờ tự hợp pháp với tổng số tín đồ khoảng 12.104 tín đồ, 34 chức sắc, 106 chức việc. Các thành phần tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, phù hợp với quy định của pháp luật.

anh tin bai

5. Quá trình thành lập, nhập, chia, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính Chơn Thành

Ở thế kỷ XIX, nhà Nguyễn chia vùng đất Nam Bộ thành 6 tỉnh (còn gọi miền lục tỉnh); địa bàn Chơn Thành và toàn bộ vùng Đồng Nai, Sông Bé lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và chia Nam Kỳ thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xắc, trong đó khu vực Sài Gòn lại được chia thành các tiểu khu; vùng đất phía Tây và Nam sông Sài Gòn (trong đó có Chơn Thành) thuộc tiểu khu Thủ Dầu Một (năm 1889, thực dân Pháp đổi tiểu khu Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Dầu Một).

Đầu thế kỷ XX, vùng đất Chơn Thành nằm trong quận Hớn Quản tỉnh Thủ Dầu Một. Chơn Thành lúc này có 4 làng người Kinh (gồm Tân Lập Phú, Tân Quan, Tân Khai, Tân Thạnh nằm trong tổng Tân Minh do tổng Hiển làm Tổng trưởng) và một số phum, sóc dân tộc thiểu số (nằm trong tổng Lâm Can ở phía Tây do tổng Mé làm Tổng trưởng). Địa giới hành chính này duy trì đến sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và thời kỳ đầu chính quyền Ngô Đình Diệm.

Về phía cách mạng, năm 1951, sát nhập hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên, Chơn Thành thuộc quận Hớn Quản, tỉnh Thủ Biên.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tách một số vùng ở phía Bắc của hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa để lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Tỉnh Bình Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143/NV (ngày 22/10/1956) gồm ba quận: An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành. Như vậy, với việc thành lập tỉnh Bình Long, địa danh Chơn Thành xuất hiện với quy mô hành chính cấp quận (tuy nhiên, đến ngày 27/01/1964, quận Chơn Thành mới chính thức được ra đời).

Tháng 10/1961, để phù hợp với tình hình chỉ đạo địa bàn hoạt động tương ứng với phân chia hành chính của chính quyền Sài Gòn, Trung ương Cục miền Nam cho tách Bình Long khỏi tỉnh Thủ Biên để thành lập một tỉnh mới là tỉnh Bình Long gồm 3 quận có phiên hiệu theo số là: C45 – Chơn Thành, C55 – Hớn Quản và C65 – Lộc Ninh.

Ngày 30/01/1971, do yêu cầu chỉ đạo kháng chiến, Trung ương Cục giải thể khu 10, thành lập Phân khu Bình Phước gồm hai tỉnh Bình Long và Phước Long. Cuối năm 1972, lại giải thể Phân khu Bình Phước và thành lập tỉnh Bình Phước. Quận Chơn Thành (C45) thuộc phân khu Bình Phước (từ năm 1972 là tỉnh Bình Phước), gồm các xã cũ là Hưng Long, Minh Thạnh, Minh Hòa, Nha Bích, Tân Quan, Tân Khai…

Sau ngày giải phóng miền Nam, địa giới hành chính cũ được duy trì. Nhưng đến đầu năm 1977, theo Nghị định 55/CP ký ngày 11-3-1977 về việc hợp nhất 3 quận An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành thành huyện Bình Long. Chơn Thành trở thành một phần của huyện Bình Long, một huyện khá lớn nằm sát biên giới.

Tháng 3 năm 1978, theo Nghị định 34/CP của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 09/02/1978, lại tách thị trấn Lộc Ninh và một số xã phía Bắc sát biên giới để thành lập huyện Lộc Ninh. Huyện Bình Long còn lại (trong đó có Chơn Thành) vẫn là huyện lớn của tỉnh Sông Bé, gồm 19 xã và 02 thị trấn (Chơn Thành và An Lộc).

Ngày 20/02/2003, huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP của Chính phủ gồm 08 xã, thị trấn (Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng và thị trấn Chơn Thành).

Ngày 16/5/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2005/NĐ-CP thành lập xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của thị trấn Chơn Thành.

Ngày 10/4/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/NĐ-CP thành lập xã Quang Minh, huyện Chơn Thành trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Tân Quan.

Tại Nghị định số 35/NĐ-CP ngày 11/8/2009 của Chính phủ quyết định điều chuyển toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Quan về huyện Bình Long quản lý.

Sau khi thực hiện các Nghị định của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, đến thời điểm hiện nay, huyện Chơn Thành có 09 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 08 xã: Minh Long, Minh Thành, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng, Thành Tâm, Quang Minh và thị trấn Chơn Thành).

6. Quá trình thành lập thị xã Chơn Thành

Sự hình thành đơn vị hành chính và những thay đổi địa giới hành chính qua các thời kỳ, đã cho thấy Chơn Thành có vị trí quan trọng trong kháng chiến, cũng như trong quá trình thực hiện những chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh đất nước trong thời kỳ hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vị trí chiến lược và định hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, Chơn Thành được xác định tập trung phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, là vùng có mật độ dân cư đông đúc, đô thị hóa cao và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước (theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020 ban hành tại Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ).

Chơn Thành đã được định hướng trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2016­-2020 theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; thành đô thị loại III theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch chung đô thị Bình Phước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của UBND tỉnh) đã xác định mục tiêu nâng cấp toàn bộ huyện Chơn Thành thành thị xã Chơn Thành.

Triển khai thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị trên địa bàn Chơn Thành. Đến nay, Chơn Thành trở thành trung tâm kinh tế, phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Phước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt từ 17- 20%/năm, thu nhập bình quân đầu người đến nay ước đạt 83 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,13%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 70,23%; 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được theo bộ tiêu chí quy định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BXD ngày 05/10/2020 về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đạt tiêu chí đô thị loại IV; đồng thời, Bộ Xây dựng đã đồng ý với kết quả đánh giá tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng với 05 xã, thị trấn dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV để thành lập các phường thuộc thị xã (Công văn số 5539/BXD-PTĐT ngày 17/11/2020). Đây là sự ghi nhận kết quả đầu tư, xây dựng, phát triển huyện Chơn Thành và là một trong những tiêu chí quan trọng làm cơ sở xem xét thành lập thị xã Chơn Thành trực thuộc tỉnh.

Ngày 11/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và chính quyền thị xã Chơn Thành chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2022.

Thị xã Chơn Thành gồm 05 phường (Hưng Long, Minh Hưng, Minh Long, Thành Tâm, Minh Thành) và 04 xã (Nha Bích, Minh Thắng, Minh Lập, Quang Minh).

7. Định hướng phát triển trong tương lai

Hiện nay trên địa bàn thị xã có 05 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, Khu công nghiệp Minh Hưng III, Khu công nghiệp Chơn Thành I, Khu công nghiệp Chơn Thành II, Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex Bình Phước với quy mô hơn 5.000 ha đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài địa phương. Trong những năm qua, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng đô thị đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, tạo bước phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Các tỷ số về hạ tầng, nhà ở, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin ngày một nâng cao đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu chung của tỉnh.

anh tin bai

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chơn Thành đã trở thành một trong những đô thị trẻ năng động, sinh thái và thông minh, là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các nguồn lực và điều kiện về kinh tế, xã hội, ngày 11/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Chơn Thành. Với diện mạo của đô thị trẻ, khát vọng vươn xa, với sự đoàn kết, quyết tâm và năng động của những người con Chơn Thành, sự đồng hành của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong tương lai gần Chơn Thành sẽ có nhiều đổi thay với diện mạo mới, bên cạnh những vườn cao su, vườn cây ăn trái xanh tươi là sức sống của đô thị mới với nhiều công trình hiện đại, trung tâm thương mại tấp nập, phố phường đông vui, sạch đẹp, là nơi hội tụ của niềm vui và hạnh phúc, thực sự là đô thị đáng sống.

 

 
Tin khác
  Trang chủ |  Kinh tế |  Văn hóa - xã hội |  Xây dựng Đảng | An ninh - Quốc phòng | Cải cách hành chính |  MTTQ & Đoàn thể  

 

Cổng thông tin điện tử UBND Thị xã Chơn Thành

 Địa chỉ: khu phố Trung Lợi - phường Hưng Long - thị xã Chơn Thành - tỉnh Bình Phước

Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND&UBND thị xã Chơn Thành

 Điện thoại: 02713.660.099

 Email: ubnd.txct@binhphuoc.gov.vn

Ghi rõ nguồn "chonthanh.binhphuoc.gov.vn" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành từ website này

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị

image banner RSS | image bannerSitemap

image banner  image banner