Khuyến cáo cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô
Lượt xem: 21

Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và toàn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trên thực tế, chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn hoặc vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào; nhiều vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, không chỉ thiệt hại về người và tài sản mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội như: Ngừng trệ sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, gây tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh và trật tự an toàn xã hội, môi trường. Trong 9 ngày Tết (từ ngày 25.1 đến 2.2.2025):

- Trên toàn quốc xảy ra 153 vụ cháy, trong đó có 71 vụ cháy nhà dân, 15 vụ cháy cơ sở sản xuất, 7 vụ cháy phương tiện giao thông, 8 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, 51 vụ cháy loại hình khác và 1 vụ cháy rừng làm 3 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính 3,4 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chập điện và sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. So với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, số vụ cháy giảm 20 vụ, thiệt hại về tài sản ước giảm 3,2 tỷ đồng (3,4/6,6 tỷ đồng), không xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

- Trên địa bàn Thị xã Chơn Thành cũng xảy ra 01 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại vào ngày 29/01/2025 (nhằm ngày 01/01/2025 Âm lịch), thiệt hại ước tính khoảng 735.000.000đ, nguyên nhân chưa xác định. So với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, số vụ cháy không tăng giảm 01/01 vụ, thiệt hại về tài sản ước tính giảm 1,465 tỷ đồng (735 triệu đồng/2,2 tỷ đồng), không xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

 Hiện nay thời tiết đang trong mùa hanh khô và việc tích trữ nhiều nguyên vật liệu, hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm phục vụ Tết năm 2025 còn tồn lại, nhất là tại các kho hàng, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, khu dân cư tập trung đông người; cộng với nhu cầu tiêu thụ điện, sử dụng thiết bị điện tăng cao; một số chủ cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân còn chủ quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thị xã, Công an thị xã Chơn Thành khuyến cáo các biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

1. Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cần tổ chức thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở theo quy định tại Điều 20 Luật phòng cháy và chữa cháy; Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; có nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, nhân viên, học sinh, người lao động trong phạm vi quản lý; thực hiện tốt nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”; quản lý chặt chẽ, sử dụng an toàn các chất dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt và hệ thống, thiết bị điện; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót, nguy cơ gây cháy, nổ. Đồng thời thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án chữa cháy, thoát nạn và nguồn nước phục vụ chữa cháy tại chỗ phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ quan, đơn vị, cơ sở, khu dân cư đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

2. Đối với các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh

Chủ hộ gia đình cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đôn đốc các thành viên trong gia đình, người làm việc trong nhà thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, nguy cơ gây cháy, nổ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và khoản 8, Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/05/2024 của Chính phủ; thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và khoản 9, Điều 1 Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/05/2024 của Chính phủ , cụ thể: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy; không dự trữ xăng dầu, khí đốt và các chất dễ cháy, nổ trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng; khi đun nấu, đốt vàng mã, sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi; không sạc máy tính, điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện qua đêm; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cần có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa các khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh; hàng hóa sắp xếp, bảo quản cách xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt, cầu dao điện, aptomat, ổ cắm điện, thiết bị tiêu thụ điện có sinh nhiệt ít nhất 0,5m; không cản trở đường, lối thoát nạn. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn phù hợp tránh hiện tượng quá tải gây cháy; không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Tham gia xây dựng phong trào, mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư như mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”.

Mỗi hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nên có phương án, dự kiến các tình huống thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra; nhà từ 02 tầng trở lên có một cửa đi chính cần bố trí thêm lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2, thứ 3 (như cầu thang sắt ngoài nhà, ban công, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh…), không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng, trường hợp đã lắp thì phải để ô cửa thoát hiểm kích thước tối thiểu rộng 0,6m, cao 0,8m, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ (như búa, xà beng, kìm cộng lực) để tạo lối thoát và bố trí thang, thang dây để thoát nạn khi cháy, nổ xảy ra. Trang bị các thiết bị báo cháy tự động, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ trữ nước, xô, thùng để sẵn sàng chữa cháy và phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các phương tiện đã được trang bị.

3. Đối với các hộ gia đình không kinh doanh sản xuất, vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy loại thông dụng tại gia đình. Trang bị kiến thức về PCCC theo hướng dẫn của Công an xã, phường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng

 4. Khi xảy ra cháy, nổ tại nơi làm việc hay nơi ở mỗi cá nhân hãy thật bình tĩnh, nhanh chóng hô hoán báo động cho mọi người biết để di chuyển ra ngoài đám cháy (nếu phải thoát nạn qua khu vực có khói lửa, dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che mũi, miệng, cơ thể, tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh); ngắt nguồn điện khu vực cháy; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy, họng nước chữa cháy vách tường, xô, thùng múc nước, chăn chiên nhúng nước..) để dập cháy, gọi điện báo ngay cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng “Báo cháy 114” hoặc Ủy ban nhân dân, Công an xã, phường nơi xảy ra cháy và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn, cứu tài sản theo tình huống đã dự kiến.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh; đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, chủ hộ gia đình và Nhân dân cần nêu cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”, tích cực và chủ động phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà./.

Trần Khánh Hùng - Đội CS QLHC về TTXH Công an thị xã
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
  Trang chủ |  Kinh tế |  Văn hóa - xã hội |  Xây dựng Đảng | An ninh - Quốc phòng | Cải cách hành chính |  MTTQ & Đoàn thể  

 

Cổng thông tin điện tử UBND Thị xã Chơn Thành

 Địa chỉ: khu phố Trung Lợi - phường Hưng Long - thị xã Chơn Thành - tỉnh Bình Phước

Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND&UBND thị xã Chơn Thành

 Điện thoại: 02713.660.099

 Email: ubnd.txct@binhphuoc.gov.vn

Ghi rõ nguồn "chonthanh.binhphuoc.gov.vn" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành từ website này

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị

image banner RSS | image bannerSitemap

image banner  image banner