Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm
27/12/2024
Lượt xem: 16
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe, hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ.
Nghị định này áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định quy định, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 09 loại và nhóm loại sau: chất nổ và vật phẩm dễ nổ; khí; chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy; chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy, chất có khả năng tự bốc cháy, chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy; chất ôxi hóa, Perôxít hữu cơ; chất độc, chất gây nhiễm bệnh; chất phóng xạ; chất ăn mòn; chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.
Nghị định quy định phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên, phía trước và phía sau của phương tiện bảo đảm dễ quan sát, nhận biết.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì người vận tải, lái xe phải có trách nhiệm làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện đó.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và tổ chức thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này.
Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động tập huấn an toàn hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.
Chỉ đạo UBND cấp huyện, xã khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên địa bàn quản lý, phải thực hiện giúp người lái xe và người áp tải (nếu có) trong việc cứu người, cứu hàng, cứu phương tiện; đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có sự cố, tổ chức cấp cứu nạn nhân; tổ chức bảo vệ hàng hóa, phương tiện để tiếp tục vận chuyển hoặc lưu kho, bãi, chuyển tải theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm, đồng thời báo cáo UBND cấp trên và cơ quan hữu quan khác để huy động các lực lượng cần thiết đến xử lý kịp thời.
Nghị định số 161/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025./.
CHI TIẾT TẠI ĐÂY: Tải về
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước
https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-tuc-su-kien-421/nghi-dinh-quy-dinh-danh-muc-hang-hoa-nguy-hiem-40108.html
Khắc Lành – Văn phòng HĐND và UBND thị xã (nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước)