Bình Phước tự tin, cùng sức trẻ, nhiệt huyết để bước vào kỷ nguyên mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Bình Phước tận dụng được lợi thế, cơ hội từ sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, đô thị của vùng TPHCM, Bình Dương - Ảnh: VGP/MK
Vùng đất "đầu gối Trường Sơn", "vai kề biên giới"
Phó Thủ tướng nêu rõ, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược "đầu gối Trường Sơn", "vai kề biên giới" nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mekong và ASEAN.
Đây cũng là vùng đất đa sắc về văn hóa, giàu truyền thống cách mạng với những địa chỉ đỏ đã đi vào lịch sử như Di tích Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cùng nhiều địa danh như Sóc Bom Bo, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long... gắn với những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước và cả nước.
"Chính từ truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm với khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, tỉnh Bình Phước đã biến tiềm năng thành động lực phát triển, với sức trẻ, không gian phát triển mới", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Sau hơn 25 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo, khó khăn, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước năm 2024 tăng gấp 92 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 25 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/người/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỷ USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ. Tốc độ đô thị hóa đạt tỉ lệ hơn 41%.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước đã đạt được trong suốt chặng đường qua.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao cho lãnh đạo tỉnh Bình Phước Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP
"Điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Trong đó, Bình Phước được xác định hướng mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; với tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng, tài nguyên, vị thế chiến lược, giá trị văn hoá và con người. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TPHCM - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ - tiểu vùng Mekong.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch sẽ tạo ra không gian mới, tầm nhìn mới, giá trị mới để hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ và nhân dân: Đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.
"Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định là tư duy, đột phá, năng động hơn, sáng tạo hơn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước, cùng các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cùng với Bình Phước tổ chức thực hiện quy hoạch", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Bình Phước xây dựng những khu công nghiệp xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…, với các doanh nghiệp cộng sinh - Ảnh: VGP
"Đồng bộ hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn"
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, với lợi thế của địa phương đi sau, trong quá trình thực hiện quy hoạch Bình Phước phải "đồng bộ hơn, bài bản hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn".
Trao đổi về triết lý, chìa khoá phát triển nhanh, bền vững, đúng hướng của Bình Phước, Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh phải khẩn trương cụ thể hoá Quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành đồng bộ, đồng thời; có cơ chế đặc thù thu hút các nhà khoa học, tư vấn lập quy hoạch, nhà đầu tư hàng đầu. "Đây là điểm khác biệt, sự sáng tạo để tạo ra không gian phát triển cho Bình Phước".
Bình Phước cần đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các trục phát triển, nhằm giảm chi phí thời gian, logistics cho các doanh nghiệp ở Bình Phước; đồng thời phát huy vị trí kết nối cửa ngõ Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Á, nhằm "rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua tranh với các địa phương trong vùng".
Với tiềm năng thuỷ điện, năng lượng tái tạo, Bình Phước có sức hấp dẫn rất lớn các nhà đầu tư sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero). Phó Thủ tướng mong muốn Bình Phước phải xây dựng những khu công nghiệp xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…, để sản phẩm của các doanh nghiệp không phải đóng thuế carbon, cạnh tranh sòng phẳng ở các thị trường trên thế giới. "Những dự án đầu tư về hoá chất, công nghiệp phải có tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt, hài hoà với tiêu chuẩn của các nước phát triển xanh".
Tỉnh cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Trong đó, các dự án công nghiệp phải tiếp cận tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, tạo ra các doanh nghiệp cộng sinh trong khu công nghiệp, khu kinh tế "không khí thải, không rác thải, không nước thải". Nhà đầu tư phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, làm chủ các chuỗi giá trị.
Kinh tế nông nghiệp chú trọng chất lượng cao, sinh thái, công nghiệp hoá, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, hình thành các hệ sinh thái bền vững, phát triển du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, Bình Phước cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ từ công nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại kết hợp với kinh tế đô thị. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống đô thị tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế, liên kết vùng đô thị vùng, đặc biệt là tại khu vực tam giác phát triển gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.
"Quảng bá tốt nhất cho Bình Phước để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nguồn nhân lực chất lượng cao, giới khoa học, trường đại học… là những đô thị sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn bản sắc văn hoá, kết hợp hài hoà với phát triển công nghiệp xanh gắn với nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, các dịch vụ tốt nhất cho người dân, cùng khu vực nông thôn xanh, đẹp, hiện đại", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước dành nguồn lực Nhà nước để hiện thực hoá công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tránh những khó khăn, bất cập, hạn chế nhiều đô thị, nhiều địa phương gặp phải như chưa phát triển đã ô nhiễm, tắc nghẽn, ngập lụt, quá tải hạ tầng xã hội.
UBND tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư 31 dự án với tổng số vốn đầu tư 620,5 triệu USD; trao biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp - Ảnh: VGP
Các công trình, hạ tầng xã hội cần "thấm đẫm" bản sắc văn hoá
Trong phát triển hạ tầng xã hội, Bình Phước cần làm cho "yếu tố bản sắc văn hoá thấm đẫm trong từng bản thiết kế, quy hoạch, từng mái nhà, từng khu dân cư", nhằm bảo tồn, phát huy không gian văn hoá của các dân tộc qua sinh kế, đời sống hàng, sinh hoạt ngày của người dân.
"Cùng với phát triển các nhà máy, công xưởng, các cơ sở nghiên cứu đào tạo, chúng ta cần chăm lo hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở xã hội, khu đô thị dành cho người lao động có đầy đủ tiện ích, công trình giao thông, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục…", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Phước làm tốt hơn nữa trong xây dựng chính quyền phục vụ thông qua chuyển đổi số, kinh tế số, trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, quản lý nhà nước cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Trước sự tham dự của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp tìm hiểu tổng thể hơn về tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội của Bình Phước, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững theo những định hướng, ưu tiên của quy hoạch tỉnh.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự khởi đầu hết sức tốt đẹp, cùng với vốn quý là lòng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Phước sẽ bước đi đầy tự tin, với sức trẻ, nhiệt huyết để bước vào kỷ nguyên mới để phát triển nhanh, bền vững, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc./.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/binh-phuoc-tu-tin-cung-suc-tre-nhiet-huyet-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-102241214194304331.ht