Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024): Lấy người bệnh làm trung tâm
02/01/2024
Lượt xem: 3103
Với 12 chương, 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thể hiện các giải pháp lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024): Lấy người bệnh làm trung tâm
Với 12 chương, 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thể hiện các giải pháp lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Hơn 13 năm qua, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009)…Dựa trên nền tảng pháp lý này, công tác khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Dù vậy, trong quá trình áp dụng Luật này cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn mà chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 09/01/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023).
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, định hướng bổ sung thêm nhiều điểm mới vì lợi ích của người bệnh cũng như chuẩn hóa chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:
1. Bổ sung quy định về thân nhân của người bệnh
Tại khoản 11 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bổ sung quy định về thân nhân của người bệnh gồm:
- Vợ hoặc chồng: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng: con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Người đại diện của người bệnh; Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.
2. Người bệnh không có thân nhân được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Luật cũ
Tại khoản 10 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Luật cũ về người bệnh không có thân nhân, gồm:
- Người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
- Người bệnh tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và không có giấy tờ tùy thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
- Người bệnh đã xác định được danh tính nhưng tại thời điểm vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin để liên lạc với thân nhân;
3. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
So với Luật cũ thì Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 7 như:
- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề, trừ các trường hợp pháp luật quy định.
- Kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật.
- Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động của cơ quan, người có thẩm quyền (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
- Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
4. Mở rộng đối tượng hành nghề
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định mở rộng đối tượng hành nghề - thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
5. Nâng cao, chuẩn hoá kỹ năng của người hành nghề
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ thông qua xét hồ sơ sang phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm.
- Người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Quy định chặt chẽ việc kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử.
6. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hàng năm.
- Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
7. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn. Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
- Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi.
8. Đổi mới một số quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định cụ thể chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
- Hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khoá học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
9. Bổ sung một số quy định về tài chính
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực. Cơ sở khám, chữa bệnh được: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng…Luật cũng Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Quốc Huy – Phòng Tư pháp