Ảnh minh họa: nguồn Internet
Trong giờ ra chơi cô giáo bắt gặp Nam đứng ở khu vực nhà vệ sinh tay rút một chiếc hộp nhỏ ra, trong đó là một điếu thuốc lá điện tử.
Cô giáo: Gì vậy? Em hút thuốc lá điện tử hả Nam?
Nam: Ngập ngừng, dạ.. dạ em thấy các bạn hút nên cũng thử xem thế nào thôi ạ.
Cô giáo: Không được nha Nam. Em biết là hút thuốc lá điện tử nguy hiểm lắm không? thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật và có thể tử vong vì thuốc lá điện tử có chứa chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc.
Cô giáo: Cô sẽ báo lại phụ huynh và Ban giám hiệu nhà trường về vụ việc này.
Về đến nhà
Ba Nam: (Giọng nghiêm nghị) Nam, con vừa làm gì ở trường thế?
Nam: (Bối rối) Dạ, con...
Ba Nam: (Mặt nghiêm trọng) Cô giáo vừa gọi điện cho Ba nói là con mua thuốc lá điện tử hút. Ai đã bán cho con và con có biết rằng hút thuốc lá điện tử khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm và nguy hại đến sức khoẻ không?
Nam: (Cúi đầu) Dạ... bà Tư tạp hoá bán cho con ạ, con không biết rõ ạ, nhưng con chỉ thử 01 lần thôi Ba...
Sau đó, Ba của Nam cùng Cô giáo đến gặp bà Tư, chủ tiệm tạp hóa. Tại cửa tiệm tạp hóa của bà Tư đang có một học sinh khác bước vào định mua thuốc lá điện tử, bà Tư định bán thì cùng lúc Ba Nam và Cô giáo đến.
Ba của Nam: Bà Tư, bà không được bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên. Bà có biết là theo khoản 2, Điều 26 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và còn có thể bị đình chỉ kinh doanh. Ngoài ra, tiệm của bà cũng cần có biển thông báo rõ ràng về việc không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Nếu không tuân thủ, bà có thể bị phạt thêm từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo khoản 1, Điều 26 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Cô giáo (giải thích thêm): Đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá có thể bị phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, chưa kể đến tác hại đến sức khỏe. Bà Tư biết không? Đã có không ít trường hợp trẻ em hút thuốc lá điện tử đã bị ngộ độc, tổn thương nội tạng và suýt gây tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử. thuốc lá điện tử ngoài nicotin thì còn rất nhiều chất khác, chất tạo màu, mùi, hương thơm với hàng nghìn loại chất. Các chất thay đổi liên tục, mỗi chất có thể tạo nên các bệnh khác nhau mà chúng ta không thể biết được… Có hóa chất đi vào cơ thể, gây tổn thương đường hô hấp, giảm chức năng đường hô hấp, có thể gây hen phế quản, tắc nghẽn mãn tính, nguy cơ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, giảm chức năng miễn dịch, gây nguy cơ bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim rồi một loạt các bệnh khác.
Bà Tư (lúng túng, lo sợ): Tôi không biết là mình vi phạm quy định, cũng không biết thuốc điện tử nguy hại như vậy. Tôi cảm thấy rất hối hận. Tôi cam kết từ nay tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Qua câu chuyện của Nam có thể thấy mối nguy hại của việc sử dụng và buôn bán thuốc lá điện tử cho người dưới tuổi vị thành niên. Cả người dùng lẫn người bán đều phải đối mặt với các hình phạt và rủi ro sức khỏe. Đây là lời cảnh tỉnh cho gia đình và xã hội, nhắc nhở phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, và giám sát con cái, phối hợp với nhà trường để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Khi có sự chung tay từ gia đình, nhà trường và cộng đồng, tình trạng này sẽ sớm được ngăn chặn.
* Điều 26 và Điều 29 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định như sau:
Điều 26. Vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;
b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
c) Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.
Điều 29. Vi phạm quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá;
b) Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;
b) Cung cấp thông tin không có cơ sở khoa học, không chính xác về thuốc lá và tác hại của thuốc lá;
c) Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, không đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ;
d) Không hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của sản phẩm thuốc lá với sản phẩm, dịch vụ khác;
b) Tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;
c) Để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành;
d) Chậm nộp khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật;
đ) Khai sai dẫn đến nộp thiếu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật;
e) Sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá không đúng quy định của pháp luật;
g) Doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện hoạt động tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật;
b) Trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi sản phẩm để khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;
b) Buộc hoàn trả số tiền lãi từ khoản chênh lệch do nộp chậm khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;
c) Buộc hoàn trả số tiền do sử dụng sai quy định đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này;
d) Buộc hoàn trả số tiền phải nộp và số tiền lãi (nếu có) do kê khai sai, trốn, gian lận khoản đóng góp bắt buộc đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.
Ảnh minh họa: nguồn Internet
* Tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.