Pháp luật về thanh tra có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn nhưng luôn quy định hoạt động thanh tra về bản chất là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá, xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong việc chấp hành pháp luật. Khoản 1, Điều 2 Luật Thanh tra năm 2022 quy định “Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.”
Mục đích của hoạt động thanh tra không chỉ là nhằm phát hiện và xử lý vi phạm mà còn gắn liền với yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước. Điều 3, Luật Thanh tra năm 2022, mục đích của hoạt động thanh tra là: “Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Như vậy, thông qua xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, hoạt động thanh tra không chỉ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn làm cho các hành vi vi phạm giảm đi, khắc phục hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước.
Với bản chất và mục đích đó, yêu cầu đối với cán bộ thanh tra phải có điểm đặc thù. Tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền bắc, ngày 19/4/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị: “Thanh tra là công tác rất quan trọng. Vì vậy các cấp chính quyền cũng như Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Thái độ của cán bộ thanh tra là kiểm tra phải cẩn thận. Phẩm chất của người thanh tra phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu”.
Với cán bộ thanh tra, muốn làm tốt công tác thanh tra thì người làm thanh tra phải tâm trong sáng, có đạo đức cách mạng. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ thanh tra có phẩm chất đạo đức trong sạch, nghiêm chỉnh, gương mẫu vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Thanh tra. Luôn ghi nhớ và làm theo huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 2011, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ra Quyết định số 1821-QĐ/BCS ngày 30/12/2011 quy định 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra bao gồm:
1. Có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao: Phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.
2. Có phong cách, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới: sâu, sát công việc: coi trọng nguyên tắc, kỷ cương; phân tích xử lí vấn đề khách quan, công tâm, có lí, có tình, có tính thuyết phục cao.
3. Có tinh thần học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu, tiếp cận cái mới: không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực cá nhân về mọi mặt; coi trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc.
4. Có ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cá nhân trong sáng, lành mạnh; nói đi đôi với việc làm; hành động có văn hóa; gương mẫu, tiêu biểu trong lối sống sinh hoạt cá nhân; có tinh thần xây dựng và đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tích cực đấu tranh bài trừ tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; gương mẫu, không lợi dụng chức quyền để vụ lợi.
5. Có tấm lòng vì dân, thương dân, gần gũi, tôn trọng nhân dân, biết chia sẻ, thông cảm với nhân dân khi xử lí công việc; biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của nhân dân; hoạt động vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; thường xuyên sinh hoạt với nhân dân nơi cư trú đúng quy định của Nhà nước.
Những quy định từ cách đây hơn 10 năm đã cho thấy, với vị trí là công chức thanh tra, phải tuân thủ đạo đức công vụ chung của cán bộ, công chức về việc phải làm, được làm, không được làm. Ngoài ra, với đặc thù của hoạt động thanh tra là nhằm xem xét các chính sách, pháp luật phù hợp hoặc không phù hợp để kiến nghị sửa đổi bổ sung; đánh giá việc chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, giúp đối tượng thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy nhân tố tích cực. Do vậy, bên cạnh các quy định chung về đạo đức công vụ, cán bộ thanh tra cần phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức riêng, cụ thể:
Thông tư số 01/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thanh tra khi thực hiện nhiệm vụ công vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã quy định nhiều nhóm yêu cầu cụ thể về đạo đức, phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức, viên chức thanh tra, cụ thể là:
Thứ nhất, công chức thanh tra phải có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất. Việc có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu của công chức thanh tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu gặp đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan có tư tưởng lệch lạc, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì công chức thanh tra cần tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đối tượng thanh tra hiểu rõ quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, củng cố lòng tin trong nhân dân.
Thứ hai, công chức thanh tra cần có nguyên tắc, phương pháp làm việc khoa học, đổi mới: cần sâu, sát công việc, coi trọng nguyên tắc, kỷ cương; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lý có tình, có tính thuyết phục cao.
Trong quá trình làm việc, công chức thanh tra phải tuân thủ nguyên tắc làm việc, tận tụy trong công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tiến hành thanh tra, tránh tình trạng vì lợi ích cá nhân, nể nang hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra… Công chức thanh tra phải có phương pháp làm việc khoa học, luôn luôn đổi mới phương pháp làm việc để phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước nhằm xác định được chính sách pháp luật phù hợp, không phù hợp và phát hiện được hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi cá nhân.
Thứ ba, công chức thanh tra cần có tinh thần học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu, tiếp cận cái mới; không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực cá nhân về mọi mặt: coi trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc.
Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, công chức thanh tra luôn phải học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu, tiếp cận cái mới để nắm bắt nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ, phương pháp quản lý của các cơ quan, đơn vị, kỹ thuật khoa học tiên tiến nhằm bảo đảm hiểu mọi hoạt động của đối tượng thanh tra, qua đó đánh giá chính xác việc chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra.
Thứ tư, công chức thanh tra cần có ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cá nhân trong sáng, lành mạnh; nói đi đôi với việc làm; hành động có văn hóa; gương mẫu, tiêu biểu trong lối sống sinh hoạt cá nhân; có tinh thần xây dựng và đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tích cực đấu tranh bài trừ tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; gương mẫu, không lợi dụng chức quyền để vụ lợi.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, công chức thanh tra phải thực hiện phương châm “nói đi đôi với việc làm”. Lời nói là thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý chí và tình cảm ở trong mỗi con người. Việc làm là thể hiện hành vi đạo đức cụ thể của con người. Việc nói và làm vô cùng quan trọng, qua đó thể tư tưởng nhất quán tuân theo pháp luật, không dung túng, bao che cho thành viên Đoàn thanh tra làm sai, đối tượng thanh tra.
Thứ năm, công chức thanh tra cũng phải luôn giữ gìn và xây dựng môi trường có văn hóa và những chuẩn mực văn hóa đặc thù của nghề nghiệp. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của ngành Thanh tra trong cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước, là thiết chế bảo vệ pháp luật góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương trong xã hội. Với chức năng đó, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Thanh tra gắn liền với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Trên bình diện rộng, hoạt động thanh tra chịu sự chi phối của đời sống chính trị. Trên bình diện hẹp hơn, thanh tra thuộc nhánh hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước, có chức năng thực thi pháp luật và kiểm soát sự tuân thủ pháp luật nên thanh tra là bộ phận của nền công vụ, hoạt động thanh tra là hoạt động công vụ của Việt Nam. Nói cách khác, hoạt động thanh tra là hoạt động công vụ nhưng mang tính chính trị sâu sắc. Vì vậy, biểu hiện của văn hóa thanh tra trong đời sống vừa mang tính chất là một bộ phận của văn hóa công vụ, vừa nằm trong không gian văn hóa chính trị. Văn hóa thanh tra chính là văn hóa nghề, nằm trong văn hóa công vụ và chịu ảnh hưởng của văn hóa chính trị. Như vậy, hành động văn hóa là chuẩn mực của công chức thanh tra được thể hiện từ tư tưởng, niềm tin cho tới quá trình thực hiện nhiệm vụ, giao tiếp, phương pháp làm việc, ứng xử, hiệu quả công việc và những vấn đề khác với thành viên Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ sáu, công chức thanh tra cần có phẩm chất trung thực, liêm khiết, công minh.
Đó là các phẩm chất luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Liêm khiết là có phẩm chất trong sạch, không tham ô hay nhận hối lộ. Trong hệ thống các cơ quan cấu thành nên bộ máy nhà nước thì thanh tra nhà nước có một vị trí và vai trò vô cùng đặc biệt, khác với mọi cơ quan nhà nước khác. Thanh tra là một chức năng, một bộ phận của quản lý, thanh tra không giống như các hoạt động chuyên môn khác mà là hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật, giữ vững kỷ cương trật tự trong quản lý. Chính vì có một vai trò đặc biệt như vậy nên những yêu cầu về sự liêm khiết đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước đòi hỏi những chuẩn mực bắt buộc cần tuân thủ như: cấm sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; cấm lợi dụng, lạm dụng quyền hạn để gây khó dễ cho đối tượng thanh tra để trục lợi riêng; cấm tiết lộ, trao đổi thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật để trục lợi cho cá nhân.
Những người làm thanh tra phải rất am hiểu nghề thanh tra, lĩnh vực mình thanh tra, phải công bằng và sáng suốt của công chức thanh tra trong quá trình tiến hành thanh tra; công bằng với đối tượng thanh tra về đánh giá việc chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, công bằng trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo giải trình của đối tượng thanh tra. Chỉ có như vậy hoạt động thanh tra mới có lý, có tình, mới làm cho đối tượng thanh tra tâm phục, khẩu phục mà vì thế họ mới thành tâm sửa lỗi.
Trước những yêu cầu về đạo đức đối với công chức ngành Thanh tra, cần phải thực hiện nhiều biện pháp, vừa không ngừng tăng cường trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ thanh tra để giữ gìn truyền thống của ngành Thanh tra, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tăng cường bồi dưỡng liêm chính trong các hệ đào tạo, bồi dưỡng cho các ngạch thanh tra viên và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.
Kim Chi – Thanh tra thị xã dẫn nguồn Trường Cán bộ Thanh tra!